Liệu Covid-19 vẫn được xem là sự kiện bất khả kháng?

05 Tháng 7 2021 BY deepc
  • COVID-19 đang tiếp tục làm gián đoạn kinh tế thế giới và gây ra những sự bất ổn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty do các hợp đồng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Rất nhiều công ty đang băn khoăn liệu COVID-19 có thể được coi là một sự kiện bất khả kháng, cho phép họ được miễn trừ trách nhiệm phát sinh do không thực hiện đúng nghĩa vụ của hợp đồng. Bài viết này là quan điểm của Phòng Pháp chế của Khu công nghiệp DEEP C về việc liệu COVID-19 vẫn có thể được coi là một sự kiện bất khả kháng hay không, trong bối cảnh việc tiêm vắc-xin đang được triển khai và Nhà nước đang thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
  • Sự kiện bất khả kháng theo pháp luật Việt Nam là gì?

Khoản 2 Điều 156 của Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ("BLDS") quy định rằng: "Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép." Từ định nghĩa trên có thể xác định, một sự kiện được coi là bất khả kháng nếu:

(i) xảy ra một cách khách quan;

(ii) không thể lường trước được;

(iii) không thể khắc phục được mặc dù bên bị ảnh hưởng đã thực hiện tất cả các biện pháp có thể, cần thiết và hợp lý để ngăn chặn.

business team investment entrepreneur trading discussing analysis data stock market charts

Hợp đồng được giao kết trong năm 2021 trở đi thì liệu COVID-19 còn được coi là sự kiện bất khả kháng hay không?

Khi xem xét tác động của COVID-19 đối với việc thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng, tác động trực tiếp của dịch bệnh đối với các bên, ví dụ như sự lây nhiễm vi rút của nhân viên của một bên khiến cho bên đó không thể thực hiện hợp đồng sẽ không được cơ quan giải quyết tranh chấp xem xét khi tranh chấp phát sinh. Lúc này, tác động của các hành vi, quyết định, văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhằm mục đích ngăn chặn sự lây lan của vi rút đối với các bên tham gia hợp đồng sẽ được xem xét.

Thứ nhất, các hành vi, quyết định, văn bản của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhằm ngăn chặn sự lây lan của vi-rút là nằm ngoài tầm kiểm soát của các bên tham gia hợp đồng. Vì vậy, điều này sẽ đáp ứng tính khách quan của một sự kiện bất khả kháng.

Thứ hai, để đánh giá yếu tố "không lường trước được" của COVID-19 đối với việc thực hiện hợp đồng, việc xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là vô cùng quan trọng. Thông thường, tại thời điểm các bên giao kết hợp đồng, các bên đã biết và phải biết về những yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng. Hai bên cùng đánh giá khách quan liệu các yếu tố đó có thực sự là "không thể lường trước" hay không; ví dụ quyết định công bố dịch bệnh, quyết định cách ly, phong tỏa văn phòng, nhà xưởng, các biện pháp khác được áp dụng để hạn chế sự lây lan và phát triển dịch bệnh. Nếu như hợp đồng được ký kết sau khi tuyên bố dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh đã được công bố thì các tác động của COVID-19 đối với việc thực hiện hợp đồng sẽ không được xem như sự kiện bất khả kháng trừ khi các bên có thỏa thuận khác hoặc Nhà nước đưa ra những biệt pháp phòng ngừa dịch bệnh nghiêm ngặt hơn.

Thứ ba, về yếu tố "không thể khắc phục", chỉ khi các hành vi, quyết định và văn bản của Nhà nước được ban hành nhằm phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh khiến cho các bên tham gia hợp đồng không thể thực hiện hợp đồng mặc dù các bên đã thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết và hợp lý để khắc phục, khi đó các bên bị ảnh hưởng mới không phải chịu trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng.

Cho tới thời điểm này, COVID-19 đã diễn ra trong hơn một năm rưỡi và đa số công ty đã chuyển đổi cách thức vận hành để thích nghi với tình hình "bình thường mới". Những sự kiện từng được coi là "không thể khắc phục được" vào năm 2019 và 2020 thì nay có thể không còn là trở ngại nữa.

businessman leader writing whiteboard present business marketing graph while meeting with colleagues office business team meeting presentation conference planning business concept

Để kết luận vấn đề trên, theo quan điểm của chúng tôi, COVID-19 chỉ có thể được coi là sự kiện bất khả kháng với điều kiện sự kiện đó phải đáp ứng tất cả các điều kiện được liệt kê ở trên, đặc biệt là điều kiện thứ hai và thứ ba

Tuy nhiên, việc xác định liệu COVID-19 có dẫn đến hệ quả bên bị ảnh hưởng không thực hiện được đúng nghĩa vụ trong hợp đồng hay không để bên bị ảnh hưởng được miễn trừ trách nhiệm phát sinh do không thực hiện đúng nghĩa vụ của hợp đồng thì cần phải được đặt trong bối cảnh cụ thể của từng hợp đồng để đánh giá. Khi đàm phán với đối tác, các công ty cần dựa trên phạm vi công việc cụ thể của từng hợp đồng, cách thức làm việc của từng đối tác để đạt được thỏa thuận có lợi nhất về mặt thương mại cho mình, giảm thiểu tác động của COVID-19 đến tiến độ thực hiện dự án.

Ý kiến trên của chúng tôi chỉ nhằm mục đích tham khảo, quyết định cuối cùng thuộc về cơ quan giải quyết tranh chấp tùy từng vụ việc. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng rằng bài phân tích của chúng tôi sẽ giúp các bạn có được cơ sở lập luận vững chắc hơn khi đàm phán với các đối tác hoặc khách hàng.

KẾT NỐI VỚI DEEP C